Trình bày ý tưởng nghiên cứu
Published:
Hôm nay, mình chia sẻ cách chúng ta có thể trình bày sơ nét các ý tưởng nghiên cứu.
Chúng ta hay có nhiều ý tưởng trong đầu. Thông thường, để quyết định hướng làm, ta sẽ hỏi Thầy/Cô/đàn anh/đàn chị về ý nghĩa và tính khả thi của những ý tưởng này. Tuy nhiên, ta thường đơn thuần hỏi “Em hỏi anh liệu X có thể làm được không?” hay “Đố chị Y có phải ý tưởng hay không?”. Cách hỏi rất chung và mơ hồ này sẽ không thu thập được thông tin cần thiết, nhưng lại tạo gánh nặng cho người được hỏi. Trong bài viết này, mình chia sẻ cách trình bày ý tưởng nghiên cứu một cách ngắn gọn nhưng vẫn rõ ràng và đủ thông tin. Bài viết đi qua 2 phần 1) các bước xây dựng đề cương nghiên cứu, 2) các bước xây dựng khung nghiên cứu, và 3) ví dụ về xây dựng khung nghiên cứu.
Các bước xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học
Xây dựng đề cương bao gồm hai bước chính là đọc tài liệu và viết đề cương. Nhìn chung, việc vừa đọc vừa viết sẽ giúp tăng hiệu quả làm việc. Và nếu chẻ nhỏ quá trình này thành nhiều phần, chúng ta sẽ có động lực chinh phục và làm hiệu quả hơn. Mình chia sẻ các bước như sau:
- Bước 1: Xây dựng khung nghiên cứu (study outline): Thường liệt kê tóm tắt những điểm chính trong nghiên cứu. Độ dài khoảng 1-2 trang. Khung nghiên cứu nên được sử dụng để trình bày nhanh ý tưởng nghiên cứu và so sánh sơ khởi các ý tưởng với nhau.
- Bước 2: Xây dựng đề xuất nghiên cứu (study proposal): Thường diễn giải nhiều hơn và có độ dài khoảng 10 trang.
- Bước 3: Xây dựng đề cương nghiên cứu (study protocol): Trình bày chi tiết việc triển khai nghiên cứu, độ dài vô hạn. Mình tham gia một nghiên cứu có số trang protocol là 65.
- (Bước 4): Xây dựng đề cương trình luận văn: Bước này đặc thù tại Việt Nam, đặc biệt có phần Tổng quan Y văn. Chưa có nghiên cứu nào đo được độ dài của hình thức này.
Trong khuôn khổ bài viết, mình chỉ chia sẻ về khung nghiên cứu. Còn các bước tiếp theo sẽ được chia sẻ ở bài khác.
Các bước xây dựng khung nghiên cứu
Khung nghiên cứu bao gồm các phần như sau
- Tên ý tưởng: Thứ mà ta muốn nghiên cứu, tìm hiểu
- Câu hỏi nghiên cứu: Phát biểu một cách đầy đủ, đúng dạng câu hỏi
- Giả thuyết nghiên cứu: Dự kiến kết quả sẽ như thế nào? Nếu là nghiên cứu so sánh thì nên có thêm giả thuyết vô hiệu (null hypothesis)
- Ý nghĩa: Tập trung vào tiêu chuẩn FINER của câu hỏi nghiên cứu tốt. Phần này bắt buộc phải trích dẫn với các bài báo đáng tin cậy, chứ không sử dụng suy nghĩ chủ quan của bản thân.
- Thiết kế nghiên cứu: Ví dụ như cắt ngang/bệnh chứng/đoàn hệ
- Đối tượng nghiên cứu: Tiêu chuẩn chọn mẫu? Phương pháp chọn mẫu? Có nhóm chứng không?
- Biến số kết cục: Kết cục quan tâm là gì? Có làm mù không (trong RCT)?
- Biến số tiếp xúc/dự đoán: Biến số quan tâm là gì? Làm mù (RCT)? Có sự khác biệt ở nhóm chứng?
- Tài liệu tham khảo: Từ trích dẫn ở các phần trên.
Ví dụ: Nghiên cứu về chủng ngừa viêm gan B
- Tên ý tưởng: Các yếu tố ảnh hưởng tới tiêm vắc xin ngừa Viêm gan B
- Câu hỏi nghiên cứu: ác yếu tố nhân chủng, kinh tế xã hội, tiền căn bệnh, gia đình, tình trạng sử dụng dịch vụ y tế, kiến thức-thái độ về bệnh gan có liên quan như thế nào và mức độ ra sao tới tình trạng chủng ngừa viêm gan B trong bối cảnh cộng đồng chung tại Thành phố Hồ Chí Minh?
- Giả thuyết nghiên cứu: Tương tự các nghiên cứu trước, các yếu tố nhân chủng, kinh tế xã hội, tiền căn bệnh, gia đình, tình trạng sử dụng dịch vụ y tế, kiến thức-thái độ về bệnh gan có liên quan mạnh (cỡ tác động > 2) tới tình trạng chủng ngừa trong bối cảnh cộng đồng chung tại Thành phố Hồ Chí Minh?
- Ý nghĩa:
- Khả thi (Feasible)
- Có thể thực hiện được trong cộng TPHCM, một số nghiên cứu khác trên thế giới đã làm.
- Có công cụ hữu ích là Health Behavioural Framework để đo lường các yếu tố.
- Thú vị (Interesting)
- Viêm gan là vấn đề Y tế công cộng quan trọng trên thế giới
- Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Năm 2017, có 8 triệu người nhiễm mạn. Dự kiến 2030 sẽ có 97.678 ca xơ gan do viêm gan B, 98.939 ca ung thư gan do viêm gan B, và 43.966 ca tử vong liên quan tới viêm gan B.
- Mới (Novel)
- Nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam làm ở cộng đồng chung tại TPHCM. Các nghiên cứu khác tập trung tại Bệnh viện hoặc cỡ mẫu nhỏ hoặc phương pháp thuận tiện.
- Đạo đức (Ethical)
- Nghiên cứu có lấy máu nên lưu ý khi trình Y đức.
- Thực tiễn (Relevant)
- WHO đặt mục tiêu loại trừ viêm gan như là một nguy cơ y tế công cộng trước 2030.
- Từ 2015, chiến lược quốc gia cho bệnh gan được thành lập, cùng xu hướng với WHO.
- Các chương trình truyền thông can thiệp cộng đồng cần biết đâu là yếu tố quan trọng để nhắm vào. Chưa có nghiên cứu nào tại TPHCM tìm được chúng.
- Câu hỏi này được trả lời sẽ giúp định hướng các chương trình can thiệp trong tương lai.
- Khả thi (Feasible)
- Thiết kế nghiên cứu:
- Nghiên cứu cắt ngang
- Đối tượng nghiên cứu:
- Tiêu chuẩn chọn mẫu: Người > 18 tuổi chưa từng tiếp xúc viêm gan B (HBsAg(-), antiHBs(-) antiHBcT (-))
- Chọn mẫu cụm nhiều giai đoạn, với phương pháp PPS
- Biến số kết cục:
- Có hay không có chủng ngừa viêm gan B (nhị giá)
- Biến số tiếp xúc/dự đoán:
- Nhân chủng và kinh tế xã hội
- Giới (nhị giá)
- Tuổi (liên tục)
- Nghề nghiệp (định danh)
- THu nhập (thứ tự)
- Hôn nhân (định danh)
- Tiền căn bệnh
- Bệnh lý gan (định danh)
- Bệnh lý ngoài gan (định danh)
- Tiền căn gia định (định danh)
- Tình trạng sử dụng dịch vụ y tế
- Khám bệnh trong 1 năm qua (nhị giá)
- Tầm soát viêm gan trong 1 năm qua (nhị giá)
- Biết các địa điểm tiêm chủng viêm gan B (nhị giá)
- Kiến thức-Thái độ về viêm gan B
- Kiến thức đường lây truyền (rời rạc, thang 8)
- Kiến thức về độ nặng (rời rạc, thang 4)
- Thái độ về viêm gan (rời rạc, thang 2)
- Nhân chủng và kinh tế xã hội
- Tài liệu tham khảo: Từ trích dẫn ở các phần trên.
Kết luận
Như vậy, chỉ với 1-2 trang giấy, ta có thể phác họa bức tranh nghiên cứu muốn làm. Việc phác họa này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chủ để và liệu đây có phải hướng mình muốn làm hay không. Bên cạnh đó, việc giao tiếp với người hướng dẫn cũng trở nên hiệu quả hơn. Một khi ta đánh giá khung nghiên cứu này có khả thi, ta mới dành nhiều thời gian hơn cho các bước phía sau, chẳng hạn xây dựng đề xuất nghiên cứu, đề cương nghiên cứu, hoặc đề cương luận văn.